Tiếp tục đà phát triển, hoạt động SX-KD Quý I/2019 của HSL tăng gần 64 % so với cùng kỳ năm 2018

    25/04/2019

NÔNG SẢN HỒNG HÀ SƠN LA (HSL): Tiếp tục đà phát triển, hoạt động SX-KD Quý I/2019 của HSL tăng gần 64 % so với cùng kỳ năm 2018.

Kết thúc Quý I/2019, CTCP Chế biến Nông sản Hồng Hà Sơn La (HSL) công bố kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều tiến triển tốt, khi doanh thu thuần đạt trên 90 tỷ đồng (tăng 63,7% so với cùng kỳ, đạt 22,5 % kế hoạch năm 2019) và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 9 tỷ đồng (tăng 15,0% so với cùng kỳ, đạt 20,7 % kế hoạch năm 2019).

Hoạt động sản xuất kinh doanh của HSL chủ yếu là hoạt động sản xuất và thương mại ngô sấy và sản xuất tinh bột sắn, được thực hiện tại địa bàn tỉnh Sơn La với các sản phẩm phục vụ trong công nghiệp thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Sau hơn 4 năm hoạt động hiệu quả, bước vào năm 2019, Công ty định hướng mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp hệ thống dây chuyền sấy ngô và sản xuất tinh bột sắn hiện tại tại Sơn La; đồng thời đầu tư sáp nhập thêm một nhà máy sản xuất tinh bột sắn với diện tích gần 28 ha tại Ninh Bình, có công suất dự kiến đạt 200 tấn sắn nguyên liệu/ngày tương đương 60 tấn sản phẩm tinh bột/ngày nhằm mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong bối cảnh nguồn cung không đủ cầu, thị trường nguyên liệu sắn đang chứng kiến tình trạng cạnh tranh quyết liệt trong thu mua nguyên liệu, ảnh hưởng trực tiếp tới người trồng sắn cũng như đẩy chi phí lên cao. Tuy nhiên, nhờ chủ trương liên kết, hợp tác với nông dân vùng nguyên liệu và xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân vật tư, phân bón, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, Công ty luôn chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất và đảm bảo sản lượng cũng như chất lượng của sản phẩm đầu ra.

Tinh bột sắn là một sản phẩm có giá trị xuất khẩu. Diễn biến xuất khẩu sắn hiện nay theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm tinh, giảm tỷ trọng thô được coi là một tín hiệu tốt trong bối cảnh nhiều ngành sản xuất trong nước có liên quan đến sắn như thức ăn chăn nuôi, ethanol đang cần nguyên liệu và giá tinh bột sắn đang có xu hướng tăng mạnh trên thị trường thế giới. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn 3 tháng đầu năm 2019 đạt 698 nghìn tấn - trị giá 260 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2019 đạt 371 USD/tấn, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Do khả năng ứng dụng rộng rãi của tinh bột sắn và giá thành thấp so với nhiều loại nguyên liệu khác cùng chức năng mà tinh bột sắn đã và đang được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới như: Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc, Mỹ ...

 

 

Ngày đăng: 25/01/2019          Người đăng: Nguyễn Tiến Nam